Làm gì để phòng, chữa bệnh thối vây ở cá cảnh hiệu quả?

bệnh thối vây ở cá

Bệnh thối vây ở cá cảnh không khó để điều trị, chỉ cần cách ly cá, tắm muối và dùng thuốc đặc trị là xong. Vậy quy trình chữa bệnh cụ thể như thế nào, có cách gì phòng ngừa không, cùng Bể Cá Cảnh Đa Năng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Bệnh thối vây ở cá cảnh là gì?

Bệnh thối vây là một bệnh nhiễm khuẩn phổ biến, có thể gặp ở bất kỳ loại cá cảnh nào. Bệnh này gây ra nhiều tổn thương bên ngoài, ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến cá biếng ăn và mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, thì bệnh thối vây ở cá cảnh hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm và nhanh chóng.

Bệnh thối vây, thối vảy ở cá Ranchu
Bệnh thối vây ở cá vàng Ranchu

Nguyên nhân, biểu hiện của bệnh thối vây

Cùng Bể Cá Cảnh Đa Năng tìm hiểu chi tiết nguyên nhân và những biểu hiện của bệnh thối vây ở cá cảnh ngay sau đây:

Nguyên nhân gây bệnh

Lý do gây bệnh thối vây ở cá cảnh thường liên quan đến chất lượng nước và cách chăm sóc, cụ thể gồm:

  • Nước hồ cá bẩn do thức ăn thừa, cặn bẩn, phân cá,… là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh thối vây. Bởi nước bẩn chứa nhiều vi khuẩn có hại, khiến cá dễ bị nhiễm trùng.
  • Mức oxy trong nước thấp, mức ammonia, nitrite và nitrate lại cao khiến cá hô hấp kém và hệ miễn dịch suy yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
  • Nuôi quá nhiều cá cảnh trong một hồ sẽ làm tăng tính cạnh tranh về chỗ ở, thức ăn và oxy gây căng thẳng cho cá, từ đó tăng nguy cơ lây lan bệnh tật.
  • Cá trong hồ có thể cắn nhau và làm tổn thương lớp vẩy, tạo vết thương hở, từ đó vi khuẩn dễ dàng xâm nhập gây bệnh.
  • Chấn thương trong quá trình bắt hoặc di chuyển cá không đúng cách, có thể làm tổn thương đến vây và vẩy.
  • Nhiệt độ nước thay đổi đột ngột cũng có thể gây bệnh thối vây ở cá cảnh.

Biểu hiện của bệnh

Bệnh thối vây ở cá cảnh rất dễ nhận biết bằng mắt thường với các biểu hiện bên ngoài như:

  • Rách và mòn vây: Phần rìa của vây cá xuất hiện các vết rách, mòn hoặc không còn nguyên vẹn. Những vết rách này thường bắt đầu từ những phần nhỏ, sau đó lan rộng ra và trở nên nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời.
  • Thay đổi màu sắc: Rìa vây và lớp vẩy chuyển sang màu trắng, dấu hiệu thường thấy khi các mô bị tổn thương và bắt đầu phân hủy. Trong một số trường hợp, rìa vây của cá sẽ chuyển sang màu đen hoặc nâu, điều này thường xảy ra khi bệnh đã tiến triển nặng hơn.
  • Viêm cuống vây: Cuống vây bị viêm, khi quan sát bằng mắt thường sẽ thấy rõ sưng đỏ hoặc bị tổn thương. Tình trạng viêm còn làm cho cuống vây trở nên mềm yếu và dễ bị tổn thương hơn.
  • Tình trạng rụng vẩy và vây: Nếu bệnh tiến triển nặng, một phần vây hoặc vẩy có thể bị rơi rụng, để lại các vết thương hở gây nhiễm trùng ở thân cá. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến vẻ đẹp của cá, mà còn làm giảm khả năng bơi lội của chúng.
  • Cá biếng ăn, lười hoạt động: Cá thường chỉ nằm ở đáy hoặc trốn trong góc bể cá. Chán ăn thậm chí là bỏ ăn khiến sức khỏe ngày càng suy giảm.
Bệnh có thể làm rách hoặc mòn vây của cá
Bệnh có thể làm rách hoặc mòn vây của cá
Cá khi mắc bệnh thối vây lười hoạt động, nằm đáy
Cá khi mắc bệnh thối vây lười hoạt động, nằm đáy

Các bước chữa bệnh thối vây tại nhà hiệu quả

Sau khi phát hiện ra những dấu hiệu cá bị bệnh thối vây, bạn cần thực hiện điều trị bệnh theo những bước sau đây:

Bước 1: Cách ly cá bị bệnh

  • Tách cá bị thối vây, đuôi ra khỏi bể chính.
  • Đặt cá bị bệnh vào bể riêng chứa nước sạch đã khử Clo và thêm men vi sinh làm trong nước.
  • Chuyển các con cá khỏe sang một bể khác để vệ sinh bể chính, tiêu diệt sạch vi khuẩn có trong bể cũ.

Bước 2: Tắm muối cho cá

Tắm muối là một phương pháp hiệu quả để điều trị bệnh thối vây ở cá cảnh. Thực hiện tắm muối cho cá theo từng bước dưới đây:

  • Sử dụng muối ăn thông thường, không chứa phụ gia hoặc hóa chất để tắm cho cá.
  • Tỷ lệ pha muối: Pha 30 gram muối vào mỗi 4 lít nước. Sau đó nhẹ nhàng bắt cá và chuyển vào bể tắm muối.
  • Tắm cá trong dung dịch muối từ 5-10 phút, mỗi ngày thực hiện 2 lần như vậy.

Lưu ý: Bạn cần theo dõi cá trong suốt quá trình tắm muối, đảm bảo rằng không có dấu hiệu cá bị căng thẳng hay khó chịu. Đồng thời, nhiệt độ trong bể muối cũng phải tương tự như bể nuôi chính để tránh cá cảnh bị sốc nhiệt.

Bước 3: Vệ sinh bể cá, tiểu cảnh và thay nước

Trong thời gian chờ đợi cá bị bệnh thối vây tắm muối, bạn sẽ tiến hành vệ sinh bể cá, tiểu cảnh và thay nước mới cho bể cá chính.

  • Đầu tiên, bạn cần lấy hết thiết bị cũng như tiểu cảnh bên trong bể ra.
  • Sau đó, trút toàn bộ nước ra khỏi bể.
  • Bạn hãy dùng bàn chải chà sạch từng góc cạnh của bể, vệ sinh sạch thiết bị và rửa lại bằng nước ấm.
  • Các tiểu cảnh trong bể cũng cần được ngâm trong nước ấm khoảng 10 phút và đem đi phơi nắng.
  • Lắp đặt các thiết bị và tiểu cảnh lại vào bể, sau đó đổ nước mới vào bể, nhớ dùng thuốc khử Clo và thêm men vi sinh để tạo môi trường nước tốt nhất cho cá.
  • Duy trì nhiệt độ nước từ 26 – 28 độ C.
  • Cuối cùng, thả cá không bị bệnh từ từ vào lại hồ đã vệ sinh sạch.
Vệ sinh bể cá thật kỹ lưỡng để loại bỏ vi khuẩn
Vệ sinh bể cá thật kỹ lưỡng để loại bỏ vi khuẩn

Bước 4: Điều trị bằng thuốc

Thuốc Tetracycline

Tetracyclin có thể được sử dụng để điều trị bệnh thối vây ở cá cảnh theo hai cách sau:

Cách 1: Tắm cho cá

Hòa tan Tetracyclin vào nước theo tỷ lệ 1g/100 lít nước, sau đó ngâm cá trong dung dịch này trong khoảng 24-48 giờ để tiêu diệt khuẩn. Cách này áp dụng khi bệnh của cá ở mức độ nhẹ.

Cách 2: Trộn với thức ăn

Trộn Tetracyclin với thức ăn theo tỷ lệ 1g tương ứng với 1kg thức ăn và cho cá ăn theo công thức đó trong vòng 7-10 ngày để điều trị triệt để bệnh.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Tetracyclin cho cá cảnh

  • Tránh sử dụng Tetracyclin khi cá đang mang thai hoặc mới đẻ con.
  • Không sử dụng Tetracyclin khi cá đã có dấu hiệu suy yếu hệ miễn dịch.
  • Không sử dụng thuốc Tetracyclin cho các loại cá ăn động vật nhỏ.
Thuốc Tetracyclin trị bệnh thối vây ở cá cảnh
Thuốc Tetracyclin trị bệnh thối vây ở cá cảnh

Thuốc Methylene xanh

Thuốc Xanh Methylen được sử dụng để tiêu diệt các bệnh ngoài da của cá cảnh như: thối vảy, thối vây, các bệnh nấm hoặc do vi khuẩn gây hại trên cơ thể cá. Cách dùng như sau:

  • Đầu tiên, bạn cần tách cá bị bệnh ra một bể chứa riêng.
  • Sau đó, hãy nhỏ 10 giọt thuốc xanh Methylen vào 40 lít nước trong bể.
  • Với cách điều trị này thời gian khỏi bệnh hoàn toàn giao động từ 3-5 ngày.
  • Kết thúc quá trình điều trị, bạn cần thay 25% nước trong bể và bổ sung lại máy lọc để khử thuốc còn sót trong bể.

Lưu ý khi sử dụng thuốc xanh Methylen

  • Không nhỏ thuốc trực tiếp vào bể chính, chỉ sử dụng thuốc xanh Methylen ở bể riêng, để tránh tiêu diệt vi sinh vật có lợi.
  • Trong thời gian điều trị không dùng các vật dụng bằng kẽm đụng vào nước, vì khi kẽm tác dụng với thuốc sẽ gây ra độc tố và giảm hiệu quả của thuốc.
  • Tắt máy lọc có sử dụng vật liệu lọc bằng than hoạt tính trong thời gian điều trị.
  • Không nên cho cá ăn trong thời gian điều trị, nếu cho ăn chỉ nên cho ăn dưới 30% so với ngày thường.
  • Tuyệt đối khi dùng thuốc thì bể phải không có cây thủy sinh, vì sẽ gây chết cây.
Methylen - thuốc chữa trị bệnh thối vây
Methylen – thuốc chữa trị bệnh thối vây

API Melafix

API Melafix là sản phẩm điều trị ký sinh trùng và diệt khuẩn với thành phần hoàn toàn tự nhiên, chuyên đặc trị bệnh thối vây ở cá cảnh.

Hướng dẫn sử dụng thuốc API Melafix: 

  • Cách ly cá và sử dụng 5ml Melafix/ 38 lít nước.
  • Dùng thuốc liên tục trong 7 ngày. Sau 7 ngày, thay 25% nước.
  • Nếu thấy bệnh chưa khỏi hẳn thì vẫn tiếp tục điều trị như cũ.

Lưu ý khi sử dụng thuốc API Melafix:

  • API Melafix sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất nếu được kết hợp với API Pimafix và API Stress Coat.
  • Sử dụng đúng liều lượng quy định trên bao bì, để không ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong bể.
  • Không sử dụng cho cá cảnh sống trong môi trường nước mặn.
  • Tắt hệ thống lọc trong suốt quá trình điều trị để duy trì chất lượng thuốc.
Thuốc API Melafix điều trị bệnh thối vây ở cá cảnh hiệu quả
Thuốc API Melafix điều trị bệnh thối vây ở cá cảnh hiệu quả

 

Làm thế nào để phòng bệnh thối vây ở cá cảnh?

Để không tốn thời gian và tiền bạc để điều trị bệnh thối vây ở cá cảnh, thì bạn hãy thực hiện những biện pháp phòng bệnh sau đây:

  • Thay nước định kỳ, ít nhất là mỗi tuần một lần, mỗi lần thay từ 25% -30% để cá không bị shock.
  • Trang bị bộ lọc nước chất lượng cao để loại bỏ những chất bẩn và các tạp chất có trong nước.
  • Thường xuyên kiểm tra và duy trì các chỉ số như: nhiệt độ, độ pH, ammonia, oxy ở mức an toàn cho cá.
  • Tránh nuôi quá đông cá trong cùng một bể chứa, điều này vừa giúp giảm sự cạnh tranh thức ăn và ngăn ngừa lây lan bệnh.
  • Cho cá ăn quá nhiều hay cho những thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao.
  • Đảm bảo bể cá được đặt ở nơi có ánh sáng phù hợp để cá hấp thụ. Lưu ý, tránh đặt dưới ánh sáng trực tiếp của mặt trời.
  • Nhanh chóng cách ly cá bị bệnh thối mang thối vẩy để tránh lây lan và tiêu diệt vi khuẩn trong hồ cá bằng thuốc tím KMNO4.
Thuốc tím KMnO4 giúp diệt khuẩn hồ nước
Thuốc tím KMnO4 giúp diệt khuẩn hồ nước

Tổng kết

Nói tóm lại, để tránh được bệnh thối vây ở cá cảnh hiệu quả, bạn cần duy trì môi trường nước luôn sạch và cung cấp chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Khi phát hiện cá bị bệnh, hãy nhanh chóng cách ly và thực hiện theo từng bước mà Bể Cá Cảnh Đa Năng đã hướng dẫn ở trên.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng một số loại thuốc chữa bệnh cá cảnh chuyên dụng khác, nhưng cần tuân theo đúng hướng dẫn sử dụng hoặc hướng dẫn của bác sĩ thú y. Tuy nhiên cách tốt nhất vẫn là chăm sóc cẩn thận đàn cá của mình để giảm nguy cơ mắc bệnh thối vây nhé!

Xem thêm:

Đánh giá