Có nhiều nguyên nhân khiến cá Rồng mắc bệnh, như: bể không được vệ sinh, thiếu oxy, khí NH3 trong bể tăng mạnh hay do vi khuẩn tấn công,… Tuỳ vào bệnh mắc phải, dấu hiệu nhận biết sẽ có sự khác nhau. Bài viết này sẽ giúp bạn nhận biết được các triệu chứng liên quan đến 8 loại bệnh thường gặp ở cá Rồng và cách điều trị hiệu quả nhất.
Tổng quan về cá Rồng
Cá Rồng là một loại cá nước ngọt có thân dài và dẹt, kích thước dao động từ 60cm đến 90cm. Chúng gây ấn tượng mạnh bởi lớp vảy sáng bóng, lấp lánh, cặp râu ấn tượng và vây dài. Cá Rồng có rất nhiều màu, mỗi màu sẽ có tên gọi khác nhau như:
- Cá Rồng Thanh Long có màu xanh xám
- Cá Rồng Huyết Long có màu đỏ
- Cá Rồng Kim Long có màu vàng, đây là loại đắt nhất thế giới
- Cá Rồng Cao Lưng Hồng Vỹ có màu đỏ nâu
- Cá Rồng Hồng Long có màu hồng
- Cá Rồng Hắc Long có màu đen
- Cá Rồng Ngân Long có màu bạc
Với ngoại hình như vậy, cá Rồng được xem là biểu tượng của sức mạnh và sự giàu có trong văn hóa Châu Á. Nuôi cá Rồng không chỉ thỏa mãn niềm đam mê mà theo phong thủy, loại cá này còn giúp trừ tà, loại bỏ điềm dữ và mang lại may mắn, bình an cho gia chủ
Cá Rồng là loại cá sống khá khỏe, tuổi thọ cao (có thể lên đến 50 năm) và thuộc loài cá ăn tạp. Thức ăn của chúng thường là các loài côn trùng nhỏ, cá mồi, tôm, thậm chí cả ếch nhái. Món đặc biệt khoái khẩu của cá Rồng là rết, ngoài ra còn có: chuột bao tử và thạch sùng.
Tuy là loài sống khỏe, nhưng cá Rồng vẫn có thể mắc bệnh nếu môi trường nước ô nhiễm, thiếu oxy, dư khí amoniac, thức ăn kém chất lượng hay là do di truyền.
Các bệnh thường gặp ở cá Rồng
Dưới đây, Bể Cá Cảnh Đa Năng giúp bạn tổng hợp tất cả những nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị riêng biệt cho 8 loại bệnh thường gặp ở cá Rồng.
Bệnh sụp mắt
Tuy sụp mắt không phải là một bệnh nguy hiểm, song đây là một khuyết điểm khiến ngoại hình cá thiếu thẩm mỹ, dẫn đến mất giá nếu có mua bán. Đa phần cá con đang trong giai đoạn trưởng thành sẽ có nguy cơ bị bệnh sụp mắt rất cao.
Biểu hiện cá Rồng bị bệnh sụp mắt
Mắt cá có xu hướng nhìn xuống dưới chứ không nhìn thẳng. Nếu bệnh nhẹ thì mắt cá hướng xuống phía dưới một chút, nặng thì gần như toàn bộ mắt lồi ra ngoài và hướng xuống dưới.
Nguyên nhân gây sụp mắt ở cá Rồng
- Di truyền chiếm đến 60% nguyên nhân.
- Do thói quen ăn uống: Thực đơn của cá Rồng có quá nhiều mồi thuộc dạng chìm, vì vậy khi đói, cá có thói quen nhìn xuống dưới để tìm thức ăn. Ngoài ra, khi chúng ăn nhiều thức ăn giàu chất béo cũng gây tích tụ mỡ dưới tròng mắt.
- Ảnh hưởng bởi môi trường sống: Xung quanh bể cá có quá nhiều vật chuyển động ở tầng thấp (chó, mèo) gây sự chú ý và thu hút cá nhìn xuống dưới thấp.
Cách điều trị bệnh
Hạn chế cho cá Rồng ăn thức ăn giàu chất béo như giun đất hoặc thức ăn dạng viên có hàm lượng chất béo cao. Ưu tiên cho cá ăn những loại mồi nổi như: gián, châu chấu, thạch thùng, dế để dần thay đổi thói quen hay tìm thức ăn dưới đáy bể. Không nên thay hoàn toàn thực đơn sang thức ăn dạng nổi mà chỉ thay khoảng 50%.
Bọc phân nửa hồ cá lại để chúng không còn bị thu hút bởi những tác động xung quanh, loại bỏ thói quen nhìn xuống dưới. Đồng thời, bạn hãy thả một vài trái bóng nhiều màu sắc vào hồ, hoặc bố trí đèn nhấp nháy bên trên, để thu hút sự và khuyến khích cá nhìn lên trên.
Lưu ý: Bạn nên điều chỉnh thói quen ăn uống của cá từ khi còn bé, nhằm ngăn chặn và cải thiện tình trạng xệ mắt ở cá Rồng, nhờ đó chúng sẽ có một vẻ đẹp hoàn hảo nhất.
Bệnh mờ mắt
Bệnh mờ mắt/ đục mắt là một căn bệnh thường gặp ở cá Rồng, có thể xảy ra ở một bên mắt hoặc ở cả hai mắt.
Biểu hiện bệnh trải qua 4 giai đoạn
- Giai đoạn 1: Mắt cá sẽ mờ dần, khiến chúng gặp gây khó khăn trong việc quan sát thức ăn và bơi lội.
- Giai đoạn 2: Giác mạc mở rộng bất thường về phía bên.
- Giai đoạn 3: Mắt cá đục hẳn và xuất hiện các bóng trắng bên trong, đồng thời mắt bị sưng phồng.
- Giai đoạn 4: Lúc này cá đã bệnh nặng hơn, mắt cá tiết mủ và dần chuyển sang màu đen.
Nguyên nhân cá Rồng mắc bệnh mờ mắt
- Không thay nước định kỳ, dẫn đến lượng Amoniac và Nitrat xuất hiện quá nhiều bên trong bể, gây ô nhiễm môi trường sống của cá Rồng.
- Cá bị tổn thương mắt do trầy xước vì vô tình va đập vào những tiểu cảnh cứng setup trong bể.
- Do thức ăn không được chế biến sạch mà còn vi khuẩn, sau đó vi khuẩn xâm nhập vào mắt cá.
- Thay quá nhiều nước trong bể hoặc thay nước quá thường xuyên, dẫn đến độ pH trong bể không ổn định và ảnh hưởng đến mắt cá.
Cách điều trị
Để chữa trị bệnh đục mắt ở cá Rồng, bạn hãy thực hiện theo các bước sau đây:
- Ngay lập tức thay 1/3 lượng nước cũ trong hồ bằng nước mới đã xử lý bằng thuốc Clo và có thêm men vi sinh.
- Thêm muối sống để ức chế vi khuẩn có hại (1g/10l nước)
- Tăng nhiệt độ nước lên từ 30-33 độ C để tiêu diệt vi khuẩn.
- Khi thấy cá Rồng có dấu hiệu cải thiện, thì cứ 3 ngày thay 1/4 lượng nước trong hồ và thêm muối.
Nếu tình trạng của cá không cải thiện, bạn cần sử dụng thuốc để điều trị. Bạn có thể tham khảo một số loại thuốc sau:
Thuốc AQUA BAC
- Liều dùng: 5ml/ 100l nước.
- Sau 24h, thay 30% lượng nước và dùng thuốc theo liều như cũ.
- Dùng liên tục cho đến khi cá khỏi bệnh, thời gian điều trị có thể từ 7 đến 14 ngày.
Thuốc Tetracyclin 500mg
- Liều lượng 1 viên thuốc + 50l nước + 50g muối.
- Cắm sưởi ở 30-32 độ C, kết hợp bật sủi oxy mạnh.
- Sau 24h thì tiến hành thay 50% nước trong bể, lặp lại liều thuốc cho cá đến khi khỏi bệnh.
Lưu ý: Để đảm bảo sức khỏe của cá bạn hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia/ bác sĩ thú y và dùng đúng liều lượng của thuốc.
Bệnh xù vảy
Bệnh xù vảy là bệnh thường gặp ở cá Rồng nhỏ và cá yếu, hay xuất hiện vào mùa thu và đông.
Dấu hiệu bệnh của cá Rồng xù vảy
- Dáng bơi khác thường, bơi nhanh chóng, lòng vòng trong bể.
- Đuôi và vảy cụp rúm, khép sát vào thân chứ không xòe ra khi bơi.
- Vảy bị phồng/ xù lên, mở ra không ôm sát vào thân.
Nguyên nhân bệnh của cá Rồng xù vảy
- Do chênh lệch nhiệt độ hoặc nhiệt độ trong bể bất ngờ giảm đột ngột.
- Bệnh thường gặp ở cá Rồng nuôi ngoài miền Bắc – khi thời điểm giao mùa nóng lạnh quá nhanh.
Cách điều trị
- Sử dụng muối với liều lượng 1,5 kg/1000 lít nước và duy trì nhiệt độ ở 32 độ C.
- Bổ sung thuốc Tetra Nhật (liều lượng trên bao bì), thay đổi nước 2 lần mỗi ngày (chỉ 30%).
- Trong những ngày đầu điều trị không nên cho cá ăn.
Nếu sau 2 ngày không có sự cải thiện, bạn nên đổi Tetra Nhật thành chai thuốc số 5 của Qianhu.
- Liều lượng 100ml/1000 lít nước.
- Duy trì muối và nhiệt độ như cũ, vẫn cho cá nhịn hoặc chỉ cho ăn 30%.
- Sau 24h thì thay 10% nước trong bể và lặp lại liều thuốc mới.
Bệnh đốm trắng
Bệnh đốm trắng là loại bệnh thường gặp ở bất kỳ loại cá cảnh nào và cá Rồng cũng không ngoại lệ.
Dấu hiệu bệnh đốm trắng ở cá Rồng
- Cá thường cọ mình vào thành bể hoặc các vật trang trí.
- Cá ăn ít hoặc bỏ ăn hoàn toàn.
- Cá có thể bị giật mình khi bơi lội.
- Bể cá có mùi tanh nồng, nước trong bể trở nên đục.
- Xuất hiện những đốm trắng trên thân, đuôi và vây của cá, lan ra rất nhanh khắp cơ thể nếu bệnh chuyển nặng.
Nguyên nhân cá Rồng bị bệnh đốm trắng
- Do ký sinh trùng Ich gây ra.
- Việc nước giảm nhiệt độ đột ngột thay đổi nhiệt độ đột ngột, khiến hệ miễn dịch của cá bị suy yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho ký sinh trùng tấn công.
- Nước bẩn do không được vệ sinh thường xuyên hoặc hệ thống lọc kém hiệu quả khiến ký sinh trùng và vi khuẩn có hại phát triển mạnh.
- Thức ăn của cá Rồng không đảm bảo vệ sinh, chưa chế biến sạch sẽ cũng có thể là nguồn lây nhiễm ký sinh trùng.
- Các yếu tố gây căng thẳng, làm giảm sức đề kháng của cá và khiến chúng bị vi khuẩn tấn công có thể gồm: vận chuyển đường xa, thay đổi môi trường sống đột ngột, vi khuẩn từ giống cá khác trong bể lây qua cá Rồng.
Cách điều trị
- Tăng nhiệt độ nước lên khoảng 32 độ C. Nếu bệnh đốm trắng ở cá Rồng nhẹ thì có thể tự khỏi khi nhiệt độ được điều chỉnh.
- Còn nếu bệnh trở nặng, bạn cần thay nước liên tục, mỗi ngày thay một ít (tầm 10%) để đảm bảo vệ sinh.
- Đồng thời, thêm muối ăn với liều lượng cứ 1 muỗng muối tương ứng với 20 lít nước.
Khi sử đã tăng nhiệt độ và sử dụng muối nhưng tình trạng bệnh của cá không thuyên giảm, bạn hãy chuyển sang sử dụng chai thuốc số 4 dành cho bệnh đốm trắng cá Rồng.
- Liều lượng: Thêm 15ml thuốc vào 150 lít nước.
- Sau 3 tiếng thì thay 30% nước và thêm liều lượng như cũ.
Bệnh trùng mỏ neo, rận nước
Những vi khuẩn này có hình dạng như mỏ neo nên mới có tên gọi như vậy, bệnh này quan sát bằng mắt thường sẽ dễ dàng nhận biết được.
Dấu hiệu bệnh trùng mỏ neo, rận nước
- Cá Rồng ăn ít hoặc bỏ ăn.
- Cá gầy yếu, sức khỏe đột nhiên suy nhược.
- Trên thân xuất hiện nhiều chỗ bị viêm và xuất huyết xung quanh chỗ trùng bám.
- Trùng mỏ neo thường ký sinh ở mang, da, vây, mắt của cá.
Nguyên nhân cá Rồng bị bệnh trùng mỏ neo, rận nước
- Ký sinh trùng sinh ra từ thức ăn tươi của cá, do không được chế biến sạch sẽ.
- Môi trường nước bẩn, thiếu vệ sinh.
- Hệ thống lọc nước hoạt động không hiệu quả.
Cách điều trị
Dùng thuốc số 0
- Liều lượng: Pha theo tỉ lệ 1ml thuốc tương ứng với 10 lít nước.
- Thời gian: Để khoảng 2-3 ngày, thay bớt nước (khoảng 30%) và thêm thuốc theo đúng hàm lượng như cũ.
Dùng thuốc tím
- Liều lượng: 1-2.5g thuốc tím cho vào 100 lít nước.
- Thời gian: Tắm cá trong dung dịch này khoảng 1 tiếng, sau đó vớt cá ra. Thực hiện liên tục 1 ngày 2 lần cho đến khi cá Rồng khỏi bệnh.
Dùng thuốc Dipterex
- Liều lượng: 5g thuốc Dipterex cho vào 100 lít nước.
- Thời gian: Sử dụng 1 tuần 2 lần.
Bệnh chướng bụng/ sình bụng
Bệnh sình bụng ở cá Rồng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, khiến cá chết chỉ sau 24 giờ kể từ khi mắc bệnh.
Dấu hiệu bệnh chướng bụng/ sình bụng ở cá Rồng
- Bụng cá Rồng phình to.
- Cá bỏ ăn, bơi lờ đờ, chậm chạp ít, khi bệnh nặng cá sẽ nằm im 1 chỗ.
- Có những con cá sẽ có biểu hiện sưng đỏ ở phần hậu môn.
- Nhiều con cá Rồng sẽ bơi lội khó khăn, đi phân dính sợi trắng ở hậu môn hoặc hậu môn chảy ra nước nhờn.
Nguyên nhân cá Rồng bị bệnh chướng bụng/ sình bụng
- Cá bị nhiễm vi khuẩn có trong thức ăn tấn công đường ruột của cá.
- Cho cá ăn quá nhiều dẫn tới tắc đường ruột.
- Thức ăn không đạt tiêu chuẩn, gây khó tiêu và viêm ruột.
Cách điều trị
- Cách ly cá Rồng sang một bể khác, không cho cá ăn thêm bất cứ thức ăn nào.
- Ngâm chúng trong nước muối với nồng độ 3% để giúp cá tiêu bớt chất lỏng có trong đường ruột.
- Sau đó sử dụng chai thuốc số 5 đặc trị sình ruột ở cá Rồng, với liều lượng 1ml thuốc/ 10 lít nước. Thay nước và sử dụng liên tục liều lượng như vậy cho đến khi cá khỏi bệnh.
Lưu ý: Không bật hệ thống lọc nước khi đang sử dụng thuốc, vì như vậy sẽ làm mất tác dụng của thuốc.
Bệnh xoăn mang (kênh mang)
Xoăn mang/ kênh mang là bệnh thường gặp ở cá Rồng, có thể chữa trị nhanh chóng, không quá nguy hiểm. Tuy nhiên khi mắc bệnh này, cá trở nên xấu hơn và mất giá trị thẩm mỹ.
Dấu hiệu bệnh đốm trắng ở cá Rồng
- Triệu chứng bệnh ở giai đoạn đầu thường gặp gồm: Cá thở gấp, mang mở đóng không đều. Sau đó, mang cá bắt đầu mở rộng, có thể thấy được các cấu trúc bên trong mang cá.
- Triệu chứng ở giai đoạn sau (nặng hơn) là: Lớp mang cứng, hơi kênh ra, sau đó cá có biểu hiệu khó thở và bỏ ăn.
Nguyên nhân cá Rồng bị bệnh đốm trắng
- Không thay nước thường xuyên cho bể cá, dẫn đến tích tụ khi nitrat và amoniac, lượng oxy trong nước giảm, khiến cá khó hô hấp gây kênh mang.
- Vi khuẩn ký sinh trong mang gây viêm và làm cho lớp vỏ mang phình lên.
Cách điều trị
Bạn tiến hành thay 20% nước trong bể mỗi ngày, tăng cường sục khí oxy liên tục và duy trì độ pH phù hợp ở mức 6.5. Sau đó, bạn thêm 2g muối và 100 lít nước để điều trị bệnh. Cứ thực hiện như vậy cho đến khi cá giảm tình trạng xoăn mang.
Ngoài ra bạn còn có thể dụng cách, ngâm lá bàng khô trong nước, sau đó đổ nước ngâm đó vào bể cá Rồng, để giảm xoăn mang. Tuy nhiên cách này phù hợp để điều trị khi cá bị xoăn mang nhẹ. Còn khi cá bị xoăn lớp mỏng viền mang, cách đơn giản nhất là bạn cắt bỏ phần xoăn đó và cung cấp nhiều oxy cho chúng.
Bệnh stress ở cá Rồng
Bệnh thường gặp ở cá Rồng cuối cùng là stress.
Dấu hiệu bệnh stress ở cá Rồng
- Cá bơi chậm hoặc không bơi chỉ nằm lì ở dưới đáy bể nhiều ngày.
- Hay cọ mình vào thành bể, thậm chí là thường xuyên bơi nhanh đâm vào thành bể.
- Chán ăn, chỉ ăn ít.
Nguyên nhân cá Rồng bị bệnh stress
- Cá mới mua về thả đột ngột vào bể, nên không thích ứng kịp thời với môi trường sống mới và dẫn đến stress.
- Nuôi chung với nhiều loại cá khác, bơi nhanh loạn xạ cũng gây áp lực cho cá Rồng.
- Môi trường nước bẩn, mà cá Rồng lại ưa sống sạch nên cũng gây stress cho cá.
Cách điều trị
- Tách biệt cá Rồng với các loại cá nhỏ khác, chỉ nên nuôi chúng riêng 1 bể. Vừa tránh việc cá nhỏ bơi nhiều gây loạn cho cá Rồng vừa tránh được việc cá nhỏ sẽ rỉa vây cá rồng, làm tình trạng stress trở nên nghiêm trọng hơn.
- Đáp ứng sở thích của cá rồng: Cá Rồng thích ăn rết, côn trùng, tôm, ếch, nhái tươi. Cho cá Rồng ăn những món này giúp giảm stress.
- Sử dụng ánh sáng phù hợp: Cá Rồng thích màu vàng nhạt, bạn có thể trang bị thêm bóng đèn sợi đốt trong bể để tạo môi trường có màu sắc dễ chịu hơn cho cá.
Một số cách phòng bệnh thường gặp ở cá Rồng
Cá Rồng là một loại cá mang lại giá trị rất lớn về tinh thần lẫn vật chất. Do đó, người nuôi phải cực kỳ cẩn trọng và kì công trong quá trình chăm sóc để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Dưới đây là một số biện pháp để phòng những bệnh thường gặp ở cá Rồng mà bạn nên nắm:
- Vệ sinh bể thường xuyên bằng dụng cụ hút cặn bẩn bể cá và dụng cụ lau kính hồ cá bằng nam châm.
- Cung cấp đúng loại thức phù hợp với cá Rồng và thức ăn phải đạt tiêu chuẩn, chế biến sạch sẽ đảm bảo không còn chứa ký sinh trùng hay vi khuẩn. Sau khi cá ăn xong phải lấy hết thức ăn thừa ra khỏi bể tránh gây bẩn nước.
- Thêm men vi sinh vào bể cá để tăng cường những vi sinh vật có lợi cho sự phát triển của cá Rồng.
- Kiểm soát chất lượng nước như: độ pH (6.5-7), nhiệt độ (28-30 độ C), nồng độ oxy (11mg/l), độ cứng của nước (8-9 mg/l).
- Thay nước 1 tuần 1 lần và thay khoảng 20% nước trong bể, để loại bỏ amoniac trong nước, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe cá.
Tổng kết
Khi nuôi cá Rồng, bất kỳ ai cũng mong muốn những chú cá của mình luôn khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc, không thể tránh khỏi những yếu tố vô tình khiến cá gặp mối nguy sức khỏe. Qua bài viết này, Bể Cá Cảnh Đa Năng hi vọng bạn đã nắm được những kiến thức cơ bản về các loại bệnh thường gặp ở cá Rồng, từ đó luôn sẵn sàng phương án phòng ngừa và điều trị cho loại cá đắt giá này!
Xem thêm:
- Top những bể cá Rồng đẹp, chuẩn nhất hiện nay
- Danh sách thuốc trị nấm cho cá chất lượng, dễ mua
- Bệnh nấm ở cá cảnh có nguy hiểm không? Chữa thế nào?