Những bệnh thường gặp ở cá: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

bệnh thường gặp ở cá

Cá cảnh thường mắc các bệnh như: nấm, thối vây, hệ tiêu hóa kém, rận, xuất huyết hay bệnh lồi mắt,… Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh thường gặp ở cá là rất quan trọng, giúp tránh những biến chứng nghiêm trọng của bệnh. Cùng Bể Cá Cảnh Đa Năng tìm hiểu cách điều trị tận gốc những căn bệnh này nhé!

Bệnh đốm trắng

Bệnh đốm trắng ở cá cảnh, còn được gọi là bệnh Ich, đây là một trong những loại bệnh thường gặp ở cá cảnh.

Nguyên nhân

  • Do ký sinh trùng Ichthyophthirius Multifiliis tấn công.
  • Không vệ sinh bể định kỳ, nước bị ô nhiễm.
  • Nhiệt độ nước không ổn định gây căng thẳng cho cá.
  • Cây thủy sinh trang trí trên bể hoặc cá mới mua có chứa ký sinh trùng.
  • Chế độ ăn không đủ dinh dưỡng.

Dấu hiệu

  • Xuất hiện các đốm trắng nhỏ, dễ dàng nhìn thấy trên cơ thể cá.
  • Cá hay cọ sát vào các bề mặt bể hoặc các tiểu cảnh trang trí.
  • Chán ăn, bỏ ăn.
  • Cá thở không được bình thường, như kiểu thiếu oxy.
  • Khi bơi, cá khép vây sát mình chứ không xòe ra.
Cá bị mắc bệnh đốm trắng 
Cá bị mắc bệnh đốm trắng

Cách điều trị

Nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu nào bên trên thì hãy nhanh chóng áp dụng các chữa trị sau đây nếu không muốn đàn cá của bạn chết sạch.

  • Tách riêng những con cá bị bệnh ra một hồ chứa mới, đồng thời vệ sinh thật sạch hồ cá cũ và khử khuẩn hồ cá bằng thuốc tím (Kmno4).
  • Trong 2 ngày đầu, hãy tăng nhiệt độ trong bể lên 27 độ C, nhằm thúc đẩy vòng đời của ký sinh trùng Ich diễn ra nhanh chóng để điều trị triệt để.
  • Tắt máy lọc nước và máy khử trùng bằng tia cực tím nếu có.
  • Sử dụng một số loại thuốc như: Ich-X, Seachem Cupramine, Seachem Paraguard, Tetra Ick Guard, API Super Ick Cure,… để chữa trị. Tùy vào tình trạng của cá để chọn loại thuốc và dùng đúng liều lượng như giấy hướng dẫn.
  • Sục khí oxy vào hồ, vì khi dùng thuốc các loại thuốc trên thường gây thiếu oxy cho cá.
  • Sau 2-3 ngày nếu thấy tình trạng bệnh thuyên giảm, dần dần giảm nhiệt độ hồ cá xuống mức bình thường và bật máy lọc.
  • Kết thúc quá trình trị bệnh, bạn cần quan sát cá trong vài ngày để chắc chắn rằng những con vi khuẩn Ich không còn tồn tại nữa.

Bệnh nấm len bông

Bệnh nấm len bông hay còn gọi là bệnh nấm nước, căn bệnh này xếp thứ hai trong danh sách bệnh thường gặp ở cá cảnh.

Nguyên nhân

  • Môi trường nước bẩn, không được thay mới và vệ sinh thường xuyên, tạo điều kiện cho bệnh nấm phát triển.
  • Cá bị bị lở loét, có vết thương hở không kịp thời chữa lành, làm giảm sức khỏe của cá, tạo điều kiện cho nấm tấn công.
  • Nhiệt độ nước đột ngột thay đổi thất thường hoặc nước chứa nhiều chất Amoniac (NH3).

Dấu hiệu

  • Xuất hiện các sợi, mảng bông trắng trên thân cá.
  • Vùng da bị nhiễm nấm chuyển sang màu xám hoặc không có màu.
  • Cá bơi lờ đờ, yếu ớt, mất thăng bằng.
  • Thường cọ xát vào các vật thể trong bể để giảm ngứa.
  • Lở loét, thối vây, đuôi trong trường hợp bị nhiễm nấm quá nặng.
Cá bị mắc bệnh nấm len bông ở thân
Cá bị mắc bệnh nấm len bông ở thân

Cách điều trị

Điều trị bệnh nấm len bông yêu cầu sự kết hợp giữa việc cải thiện môi trường nước và sử dụng loại thuốc thích hợp, sau đây là cách điều trị để cá nhanh chóng khỏi bệnh.

  • Cách ly những chú cá bị bệnh ra khỏi bể chính để tránh lây lan cho những chú cá khác (lưu ý, thay nước mới và khử khuẩn cho hồ cá chính).
  • Tăng nhiệt độ ở hồ cá bị bệnh lên 30 độ C, để ngăn chặn sự phát triển của nấm len bông.
  • Tắm muối cho cá bằng muối tinh, liều lượng 1g muối/ 1l nước, khuấy đều cho muối tan và tắm cá trong vòng 10 – 30 phút. Thực hiện đều đặn cách chữa bệnh này 2 – 3 lần/ ngày cho đến khi cá khỏi bệnh.
  • Đối với trường hợp cá đã bị nấm len bông nặng, bạn cần nhanh chóng sử dụng một số loại thuốc chữa bệnh cá cảnh như: thuốc trị nấm Anti Shep, Thuốc trị nấm Blue Sky 9999Bio Knock 2, Tetra Nhật,… Lưu ý, bạn phải sử dụng đúng cách và đúng liều lượng như trên bao bì của nhà sản xuất.

Sau khi cá đã khỏi bệnh bạn cần phải cải thiện môi trường nước như:

  • Thường xuyên thay nước cho bể cá, 7-10 ngày thay nước 1 lần.
  • Duy trì nhiệt độ ổn định và độ pH phù hợp với giống cá của mình.
  • Bổ sung thêm máy lọc để tăng hiệu quả làm sạch nước.
  • Cung cấp chế độ dinh dưỡng phong phú giàu Protein, Vitamin C để tăng sức khỏe cho chúng.

Bệnh thối vây, đuôi

Bệnh thối vây ở cá cảnh, bệnh này do các loại vi khuẩn, nấm hoặc do ký sinh trùng gây ra và có thể lây lan rất nhanh.

Nguyên nhân

  • Chất lượng nước kém, nhiệt độ nước quá thấp, độ pH hoặc nồng độ oxy không đủ.
  • Bị các loại vi khuẩn như Aeromonas, Pseudomonas và Vibrio tấn công.
  • Vây và đuôi bị chấn thương do cá cắn nhau để tranh giành thức ăn hoặc chỗ ở.
  • Quá trình vận chuyển va đập khiến cá bị chấn thương.
  • Các loại nấm như Saprolegnia và ký sinh trùng cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh thối vây và đuôi ở cá cảnh.

Biểu hiện

  • Phần vây và đuôi cá bị ăn mòn từ ngoài vào trong.
  • Khi vây, đuôi bị thối sẽ xuất hiện màu trắng đục với các vết lở loét nhỏ.
  • Cá không muốn bơi, chỉ đứng im một chỗ.
  • Khi cá đã mắc bệnh nặng thì phần thịt của cá có thể bị lộ ra.
Vây của cá bắt đầu bị ăn mòn khi bị mắc bệnh thối vây, đuôi
Vây của cá bắt đầu bị ăn mòn khi bị mắc bệnh thối vây, đuôi

Cách điều trị

Để căn bệnh thối vây, đuôi ở cá cảnh biến mất, bạn cần áp dụng phương pháp điều trị sau đây:

  • Vớt cá bị thối vây đuôi ra một hồ cá riêng biệt, để tránh lây nhiễm bệnh cho cá khác.
  • Ngâm cá trong dung dịch muối tinh (2-3g muối/lít nước) trong khoảng 15-20 phút diệt khuẩn và nấm gây hại.
  • Sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh có tác dụng nhanh chóng như: Tetra Nhật, Bio Knock 3, Maracyn hoặc MelaFix. Sử dụng theo liều lượng đã hướng dẫn trên hộp thuốc hoặc tham khảo ý kiếm bác sĩ thú y.
  • Khi dùng thuốc để trị bệnh cho cá, bạn cần dùng thêm máy sủi oxy để tăng cường thêm oxy trong nước cho cá dễ hô hấp.

Bệnh thối vây và đuôi là một bệnh hay gặp ở cá khi môi trường nước bị ô nhiễm, do đó bạn cần thay nước và vệ sinh bể hàng tuần, để bảo vệ sức khỏe cho cá.

Bệnh lồi mắt

Bệnh lồi mắt ở cá cảnh rất dễ dàng nhận biết và quan sát bằng mắt thường. Thời gian phát bệnh rất nhanh chóng, nếu không kịp thời điều trị thì cá có thể chết trong vài ngày.

Nguyên nhân

  • Do vi trùng Streptococcus gây viêm và nhiễm trùng ở mắt cá, dẫn đến sưng và lồi mắt.
  • Nước bẩn, chứa nhiều chất ammonia và nitrite cao làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cá, khiến cơ thể chúng yếu đi và vi khuẩn dễ tấn công gây bệnh.
  • Cá bị stress do môi trường sống chật chội.
  • Thiếu oxy hoặc không được trang bị thêm thiết bị lọc nước/ bộ lọc hoạt động không hiệu quả.

Biểu hiện

  • Một bên hoặc cả hai bên mắt cá sưng to và lồi ra khỏi hốc mắt.
  • Bề mặt mắt có một lớp đục mờ.
  • Xuất hiện các vết loét hoặc tổn thương gần khu vực mắt cá.
  • Cá bị mất cân bằng khi bơi vì không thấy đường.
  • Cá né tránh ánh sáng, thích ẩn nấp ở dưới đáy hồ.
Cá bị mắc bệnh mắt lồi
Cá bị mắc bệnh mắt lồi

Cách điều trị

Điều trị bệnh lồi mắt ở cá cảnh bằng cách sử dụng thuốc kháng khuẩn theo từng bước sau đây:

  • Khi phát hiện ra bệnh, bạn hãy tách riêng cá ra một bể cá mới và bắt đầu cắt giảm toàn bộ lượng thức ăn cho cá trong lúc điều trị.
  • Sử dụng dung dịch muối (1-2g muối/lít nước) khoảng 10 phút, để tắm cá nhằm diệt vi khuẩn và giảm sưng.
  • Chuẩn bị một bể nước đã xử lý bằng men vi sinh và khử Clo, sau đó nhỏ 10 giọt xanh thuốc methylen, 1g thuốc kháng sinh Tetra Nhật vào bể, cắm sủi oxy để thuốc hòa tan hoàn toàn vào nước và thả từ từ cá bị bệnh vào bể.
  • Sau 24h thì thay 2/3 lượng nước và tiếp tục pha liều thuốc như cũ, điều trị cho đến khi cá hết sưng mắt thì ngừng.

Bệnh xuất huyết

Xuất huyết ở cá cảnh là một căn bệnh nghiêm trọng nhất trong các bệnh thường gặp ở cá. Nó không chỉ gây tổn thương ngoài da, mà còn gây ảnh hưởng đến nội tạng của cá, thậm chí cá cảnh có thể chết sau vài ngày mắc bệnh.

Nguyên nhân

  • Các loại vi khuẩn như Aeromonas hydrophila, Pseudomonas hay ký sinh trùng như các loại giun chính là nguyên nhân gây ra bệnh xuất huyết ở cá.
  • Nước bị ô nhiễm do thức ăn thừa, phân cá quá nhiều khiến nồng độ chất NH3 tăng gây ảnh hưởng đến sức khỏe cá.
  • Hệ thống lọc bể cá hoạt động kém, tạo điểm kiện để, ký sinh trùng, vi khuẩn sinh sôi.
  • Cung cấp thiếu chất dinh dưỡng, cá không có sức đề kháng để chống lại bệnh xuất huyết ngoài da.

Dấu hiệu

  • Các vết đỏ, đốm máu xuất hiện trên vây, đuôi và thân cá, phần bụng cá hơi phình to và có mạch máu nổi rõ bên dưới.
  • Mắt cá có thể sưng lên và xuất hiện các tia máu phía bên trong.
  • Cá bỏ ăn, bơi rất chậm trong đàn, thường tách đàn bơi riêng và quẩy yếu ớt trong nước.
  • Một số trường hợp cá bị xuất huyết, từ thân kéo dài đến đuôi cá sẽ xuất hiện các vết đỏ cam sau đó chuyển dần sang đỏ sẫm.
  • Đuôi cá hoại tử dẫn đến cụt đuôi nếu tình trạng bệnh tiến triển quá nặng.
Cá vàng bị mắc bệnh xuất huyết ở vùng bụng
Cá vàng bị mắc bệnh xuất huyết ở vùng bụng

Cách điều trị

  • Việc phát hiện sớm và điều trị kịp bệnh xuất huyết ở cá sẽ giúp bạn bảo vệ toàn bộ sức khỏe của đàn cá.
  • Ngay khi phát hiện cá bị xuất huyết, nhanh chóng đưa cá đi cách ly ở một hồ riêng để tránh lây nhiễm.
  • Sử dụng thuốc để Tetracycline và thuốc xanh Methylen để điều trị bệnh. Liều lượng sử dụng như sau: 5 lít nước + 1 viên Tetracycline + 10g muối hạt + 10 giọt thuốc xanh Methylen khuấy đều, sau đó thả cá bị bệnh vào.
  • Bố trí thêm máy sục khí oxy nhẹ để cá hô hấp dễ dàng hơn.
  • Sau 24 tiếng thì thay nước và thuốc 1 lần, làm liên tục cho đến khi cá khỏi bệnh. Tùy vào bệnh tình thời gian điều trị có thể kéo dài từ 5 đến 7 ngày.

Lưu ý: Trong quá trình điều trị chỉ nên cho cá ăn 1 bữa/ ngày, với một lượng vừa phải, thức ăn có thể là trùn huyết hoặc cám chuyên dụng.

Bệnh rối loạn bong bóng

Bệnh rối loạn bong bóng là một căn bệnh thường gặp ở cá cảnh như cá Betta, cá Vàng, cá chép Koi,… Các nguyên nhân gây bệnh và dấu hiệu nhận biết bao gồm:

Nguyên nhân

  • Do khí amoniac, nitrit và nitrat trong hồ tăng cao đột ngột (nếu là cá Koi, có thể dẫn đến tình trạng nghiêm trọng hơn là suy nội tạng).
  • Cá bị vớt lên khỏi mặt nước quá đột ngột.
  • Trong hồ thiếu oxy nên cá ngoi lên mặt nước hớp quá nhiều không khí vào bụng.
  • Do cung cấp chưa đúng loại thức ăn, cá khó tiêu hóa được.

Dấu hiệu 

  • Bụng sưng to, căng tròn.
  • Bơi lảo đảo, cá không thể kiểm soát được hành vi bơi, lúc chìm lúc nổi.
  • Chán ăn, bỏ ăn dài ngày.
  • Cá ngửa bụng lên trên mặt nước giống như giả chết nhưng vẫn còn thở.
Bụng cá Koi to lên vì mắc bệnh rối loạn chức năng bong bóng 
Bụng cá Koi to lên vì mắc bệnh rối loạn chức năng bong bóng

Cách điều trị

Bệnh rối loạn bong bóng ở cá cảnh rất dễ điều trị, tuy nhiên cần phải điều trị kịp thời, đảm bảo cá có sức khỏe tốt nhất.

Cách điều trị bệnh do liên quan đến thức ăn

  • Khi cá mắc bệnh bạn cần duy trì nhiệt độ trong bể dao động từ 21 – 26,5 độ C để thúc đẩy quá trình tiêu hóa ở cá.
  • Cho cá nhịn ăn trong 3 ngày. Sau đó cung cấp thức ăn giàu chất xơ như đậu xanh nấu chín giúp làm giảm chứng táo bón, khó tiêu ở cá.
  • Cung cấp 50% thức ăn dạng viên chìm, thay vì 100% thức ăn dạng nổi, để ngăn chặn không khí đi vào đường tiêu hóa của cá.

Cách điều trị bệnh do liên quan đến nhiễm khuẩn bên trong

  • Đối với những loại cá cảnh nhỏ, bạn có thể dùng muối Epsom để tắm cho cá, liều lượng theo nhà sản xuất hướng dẫn trên bao bì.
  • Còn đối với cá Koi bạn sử dụng kháng sinh phổ rộng Galatine để trộn ăn trực tiếp vào thức ăn cho cá hoặc dùng để tắm cho cá.
  • Bạn cũng nên sử dụng thêm thuốc xổ lãi giun sán loại Kick Out Parasites giúp diệt trừ những loại sán, giun và ký sinh trùng có hại bên trong cơ thể cá Koi.

Xem thêm: Cách điều trị tận gốc, dứt điểm bệnh bong bóng cá Koi.

Bệnh rận cá

Rận cá cảnh còn được gọi là rận nước, là một bệnh thường gặp ở cá chép Koi, cá rồng, cá betta, cá vàng,… Những con rận cá khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ bám vào thân cá và hút máu.

Nguyên nhân gây bệnh

  • Do không thường xuyên vệ sinh thức ăn thừa và phân cá dẫn đến nước ô nhiễm và các loại ký sinh trùng hình đĩa tròn phát triển mạnh.
  • Hệ thống lọc hoạt động kém hiệu quả, các chất cặn bẩn hay chất hữu cơ gây hại không được loại bỏ.
  • Vô tình mua phải cá có sẵn bệnh rận cá và lây lan rất nhanh cho cá khác trong bể.

Biểu hiện bệnh

  • Những đốm có màu nâu đen hoặc màu nâu nhạt xuất hiện khắp trên thân thân cá.
  • Bệnh rận cá gây ngứa nên cá có dấu hiệu bơi lội thất thường, hay cọ sát vào vật thể trong bể để giảm ngứa.
  • Xuất hiện các vết loét và lan rộng ra khắp nơi.
  • Cá ốm yếu, gầy gò, ăn kém hoặc bỏ ăn.
Cá bị rận cá tấn công, hút máu
Cá bị rận cá tấn công, hút máu

Cách điều trị

Bể Cá Cảnh Đa Năng gợi ý cho bạn 3 cách chữa bệnh rận cho cá cảnh sau đây:

  • Cách 1: Cách ly cá bị bệnh và dùng nhíp gắp rận

Bạn tiến hành bắt cá bị rận ra khỏi hồ, sau đó dùng nhíp y tế gắp rận ra khỏi thân cá và xịt keo ong vào vết thương để ngăn nhiễm trùng. Lưu ý, phương pháp này chỉ thích hợp để áp dụng khi số lượng cá nhiễm rận ít.

  • Cách 2: Sử dụng lá xoan

Bạn có thể ra ngoài chợ tìm mua lá xoan, sau đó rửa sạch và ngâm trong nước, cứ 3kg lá xoan tươi sẽ tương ứng 1m³ nước. Sau 3 ngày, thay 30-50% nước và thêm lá xoan mới. Sử dụng phương pháp này cho đến khi cá hết bị rận. Lưu ý, nên cho lá xoan vào một túi lưới rồi mới ngâm vào nước để giữ vệ sinh cho bể.

  • Cách 3: Dùng thuốc Dimilin

Sử dụng thuốc Dimilin để trị bệnh rận cho cá rất hiệu quả. Liều lượng dùng 1g/1m³ nước, cứ sau mỗi 3 ngày thì thay 20% nước, làm liên tục cho đến khi cá khỏi bệnh. Bạn cũng nên kết hợp thêm thoa thuốc tím để sát trùng vết thương hở cho cá.

Bệnh về đường tiêu hóa

Dưới đây là những nguyên nhân và biểu hiện, giúp bạn nhanh chóng nhận biết cá cảnh của mình đang bị bệnh về đường tiêu hóa.

Nguyên nhân

  • Cho cá ăn phải thức ăn kém chất lượng như: ôi thiu, thức ăn quá hạn hoặc thức ăn làm từ nguyên liệu kém chất lượng,…
  • Trong chế độ ăn của cá không có chất xơ.
  • Môi trường nước thay đổi đột ngột khiến cá bị shock gây tình trạng phình bụng và làm tắc hệ thống tiêu hóa của cá.

Biểu hiện

  • Cá đi phân trắng, có những sợi trắng đục kéo dài ở phía hậu môn.
  • Bụng cá phình to trong 5 – 6 tiếng, không có dấu hiệu xẹp.
  • Cá thường núp vào góc của bể cá cảnh hoặc phía dưới các tiểu cảnh. Bỏ ăn, bơi lờ đờ dưới đáy, khi bơi phải cố gắp mới giữ thăng bằng được.
Thức ăn là nguyên nhân khiến cá dễ bị táo bón
Thức ăn là nguyên nhân khiến cá dễ bị táo bón

Cách điều trị

Bệnh liên quan đến đường tiêu hóa của cá cảnh có 2 cách chữa trị sau đây:

  • Cách 1: Thêm chất xơ vào khẩu phần ăn

Bạn hãy cung cấp thêm thức ăn có chất xơ cao như đậu xanh luộc, giúp hỗ trợ hoạt động tiêu hóa của cá tốt hơn. Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng các loại thức ăn dạng viên trên thị trường có thành phần chất xơ cao.

  • Cách 2: Sử dụng thuốc Metronidazol dành cho cá cảnh

Bạn nghiền nát 1 viên Metronidazol và cho vào 15 lít nước. Cứ sau 1 ngày thì bạn tiến hành thay 1/3 nước trong bể và thêm 1 viên thuốc mới. Trong thời gian điều trị chỉ nên cho cá ăn 1 lần trong ngày để đường tiêu hóa của chúng được phục hồi tốt nhất. Ngoài ra, bạn cũng cần bật sủi oxy để cá dễ thở trong quá trình điều trị.

Một số cách phòng bệnh cho cá cảnh

Bạn hãy áp dụng những biện pháp mà Bể Cá Cảnh Đa Năng gợi ý sau đây, để phòng các bệnh thường gặp ở cá cảnh một cách tốt nhất, giúp duy trì sức khỏe và đảm bảo cá phát triển ổn định.

  • Vệ sinh bể và thay nước định kỳ: Phải luôn giữ nước trong bể ở trạng thái trong sạch và không có bất kỳ chất thải nào, nhằm ngăn ngừa vi khuẩn và ký sinh trùng phát triển gây bệnh.
  • Lựa chọn nguồn thức ăn phù hợp: Chọn lựa nguồn thức ăn có chất lượng cao, đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng như: Protein, chất xơ, Vitamin, khoáng chất và còn hạn sử dụng.
  • Sử dụng thuốc cho cá cảnh: Sử dụng đúng loại thuốc, đúng liều lượng để trị bệnh cho cá. Bổ sung một số thuốc phòng bệnh định kỳ như: thuốc tím, thuốc Jindi, thuốc khử Clo để làm trong nước, khử khuẩn, diệt nấm.
  • Không nuôi nhiều cá trong một bể: Giảm mật độ nuôi cá để tránh việc cá cắn nhau, giành ăn gây căng thẳng và đông đúc sẽ dễ lây lan bệnh.
  • Dùng men vi sinh khử trùng hồ cá: Men vi sinh giúp duy trì hệ vi sinh vật có lợi, khử trùng và cải thiện chất lượng nước, làm nước trong hơn.
Men vi sinh giúp làm trong nước, tăng vi khuẩn có lợi
Men vi sinh giúp làm trong nước, tăng vi khuẩn có lợi

Tổng kết

Bể Cá Cảnh Đa Năng đã giúp bạn ra phương pháp điều trị 8 loại bệnh thường gặp ở cá cảnh. Với những cách điều trị và cách phòng ngừa bệnh cho cá cảnh trên, hy vọng sẽ giúp ích cho bạn trong việc chăm sóc và chữa bệnh cho cá cảnh. Mỗi loại cá sẽ có những đặc điểm riêng biệt, vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc bác sĩ thú y để có cách trị bệnh cho cá nhanh chóng và tốt nhất.

Những sản phẩm trị bệnh cho cá phổ biến:

5/5 - (1 bình chọn)