Nỗi ám ảnh của nhiều người chơi cá cảnh là nhìn thấy đàn cá thân yêu của mình bị nhiễm bệnh, bị chết mà không hiểu vì sao. Rất có thể nguyên nhân là do mất cân bằng hệ vi sinh. Vi sinh là một phần không thể thiếu đối với mọi sinh vật sống, có vai trò duy trì môi trường nước lý tưởng để các loại cá cảnh sinh trưởng và phát triển. Việc sử dụng đúng cách men vi sinh cho cá sẽ giúp giảm bớt công sức và thời gian chăm sóc nhưng vẫn đảm bảo bể cá cảnh nhà bạn luôn khoẻ mạnh.
Hệ vi sinh là gì?
Hệ vi sinh là tập hợp các vi sinh vật trong một môi trường sống. Trong hệ thống thủy sinh, hệ vi sinh lúc này là các loại vi sinh vật nhỏ bé không thể nhìn thấy bằng mắt thường, chúng tồn tại và có hoạt động trao đổi chất. Vi sinh thường được chia thành 2 nhóm chính: vi sinh có lợi và vi sinh có hại.
Vi sinh có lợi gồm các loại vi khuẩn và vi sinh vật tự nhiên có khả năng phân giải chất thải hữu cơ, amoniac, nitơ và những chất độc hại trong bể cá, sau đó thải ra các đơn chất vô hại. Vi sinh có hại là nhóm vi sinh vật gây hại cho cá và cây thủy sinh, điển hình như vi khuẩn, ký sinh trùng, vi sinh vật gây thối rữa…
Vi sinh cho bể cá có tác dụng gì?
Một hệ vi sinh khỏe mạnh đóng vai trò rất quan trọng trong hồ thủy sinh, bởi chúng sẽ giúp:
- Xử lý các chất thải: Vi sinh có khả năng phân giải các chất hữu cơ như phân cá, thức ăn dư thừa, lá cây thuỷ sinh úa tàn và các chất cặn bã trong nước, giúp khử mùi tanh hôi và giữ cho bể luôn trong sạch. Chúng còn giúp chuyển hóa các chất độc hại cho cá như amoniac (NH3) và nitrit (NO2) thành các chất ít độc hơn.
- Ổn định chất lượng nước: Vi sinh giúp duy trì độ pH ổn định, hạn chế sự biến động đột ngột của pH có thể gây hại cho cá. Đồng thời, chúng giúp kiểm soát sự phát triển quá mức của tảo, tránh tình trạng đục nước trong bể.
- Hỗ trợ sức khỏe của cá: Vi sinh có lợi cạnh tranh và ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại, kháng nấm và ngăn ngừa phát sinh mầm bệnh trong bể. Hệ vi sinh này cũng giúp cá tăng cường miễn dịch, giảm stress và cải thiện sức khỏe. Ngoài ra, các loại lợi khuẩn trong đường ruột sẽ hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng của cá.

Cách tạo vi sinh cho hồ cá đơn giản
Bể cá cảnh là một hệ sinh thái nhỏ, luôn có khả năng hình thành hệ vi sinh một cách tự nhiên. Nhưng nếu để tự nhiên sẽ cùng lúc phát triển cả vi sinh có lợi và vi sinh có hại. Với tốc độ phát triển nhanh hơn, vi sinh có hại sẽ nhanh chóng áp đảo và ảnh hưởng đến sức khoẻ của cá. Vì vậy, người nuôi nên hỗ trợ quá trình hình thành vi sinh có lợi trong bể cá với một số cách đơn giản như sau:
Tận dụng đá và cát từ hồ cũ
Đá và cát hoặc các vật liệu khác từ một hồ cũ, đã nuôi trồng ổn định có chứa nhiều vi sinh vật có lợi, giúp nhanh chóng thiết lập hệ vi sinh trong hồ mới. Tuy nhiên, phải đảm bảo hồ cũ không có mầm bệnh hoặc chất độc hại ảnh hưởng đến cá. Trước khi cho vào bể mới, cần dùng nước từ bể để rửa sơ đá, cát và vật liệu từ hồ cũ cho trôi hết chất bẩn mà không làm mất vi sinh vật có lợi, sau đó trải đều để vi sinh có thể phát triển khắp bể mới.
Sử dụng vật liệu lọc sinh học
Vật liệu lọc sinh học cung cấp diện tích bề mặt lớn cho vi sinh vật có sẵn trong hồ bám vào và sinh sôi. Có thể sử dụng các loại vật liệu như bio-ball (bóng lọc bio), sứ lọc, gốm lọc, xỉ than, đá nham thạch… Tuy nhiên, cách này không trực tiếp cung cấp vi sinh mà chỉ thúc đẩy vi sinh phát triển theo sự vận động của các loại động, thực vật trong hồ. Đồng thời cần khoảng 2 tuần đến 1 tháng để quần thể vi sinh này phát triển ổn định và bền vững.

Dùng men vi sinh cho cá
Để đẩy nhanh tốc độ hình thành hệ vi sinh và sớm ổn định môi trường nước, có thể bổ sung men vi sinh cho bể cá bằng các chế phẩm sinh học. Đây là cách nhanh chóng và đơn giản nhất để thiết lập hệ vi sinh có lợi, hạn chế vi sinh có hại và các chất làm ô nhiễm nước. Cần lưu ý chọn sản phẩm chất lượng và bổ sung men vi sinh định kỳ, đặc biệt là khi setup bể cá mới, hoặc sau khi thay nước, vệ sinh bể để duy trì số lượng vi sinh ở ngưỡng thích hợp.
Men vi sinh cho bể cá loại nào tốt?
Trên thị trường hiện nay có nhiều chế phẩm men vi sinh cho cá với giá cả và chất lượng đa dạng. Lựa chọn sản phẩm có chất lượng tốt sẽ đem lại hiệu quả tối ưu nhất khi sử dụng, đảm bảo thiết lập hệ vi sinh phù hợp, phục hồi môi trường sống và cải thiện sức khoẻ cho cá. Nếu chưa biết nên chọn sản phẩm nào, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây của Bể Cá Cảnh Đa Năng:
Nước vi sinh cho bể cá Extra Bio
Chế phẩm vi sinh cho bể cá Extra Bio được nghiên cứu và phát triển bởi Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đây là sản phẩm men vi sinh dạng nước, có chứa các chủng vi sinh có lợi và enzym tốt nhất, giúp xử lý chất thải cực nhanh và tạo môi trường lý tưởng cho cá. Để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, nên sử dụng 1 nắp (10ml) cho 100 – 200 lít nước, hoặc trộn với thức ăn cho cá theo tỷ lệ 100ml/ 100-150kg thức ăn.
Bạn có thể tìm hiểu và đặt mua men vi sinh cho cá Extra Bio tại đây.

Vi sinh cho hồ cá ngoài trời PSB
Vi sinh quang hợp PSB rất cần thiết để duy trì hệ sinh thái cân bằng trong bể nuôi cá cảnh ngoài trời, giảm thiểu sự phát triển của tảo và các loại vi khuẩn có hại. Sản phẩm còn chứa nhiều vitamin và carotene, giúp bổ sung dinh dưỡng và tăng cường sức khoẻ cho cá, hỗ trợ phòng ngừa bệnh nấm ở cá cảnh và bệnh do hại khuẩn. Nên sử dụng vi sinh PSB từ 2 – 3 lần trong tuần, với 20 – 30 ml dung dịch cho mỗi 100 lít nước.
Men vi sinh xử lý hồ cá KoiKa Clear
KoiKa Clear là sản phẩm chứa các chủng khuẩn được nghiên cứu kỹ lưỡng, giúp đẩy mạnh chuyển hoá chất hữu cơ, phân giải khí độc, xử lý ô nhiễm và kiểm soát các vi khuẩn gây bệnh ở cá. Sản phẩm này an toàn cho mọi loại cá cảnh, sử dụng giúp tăng cường quá trình trao đổi chất và hỗ trợ cá phát triển tốt hơn. Nhà sản xuất khuyên dùng 5ml men vi sinh KoiKa Clear cho 100 lít nước để đảm bảo và duy trì chất lượng nước.

Men vi sinh làm trong nước bể cá Stability
Seachem Stability là sản phẩm vi sinh sống có thể sử dụng cho cả bể cá nước mặn và nước ngọt, giúp thiết lập hệ vi sinh và làm trong nước một cách nhanh chóng. Với công thức toàn diện, thành phần gồm vi sinh hiếu khí, kị khí và vi khuẩn tảo, vi sinh Seachem Stability có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiều điều kiện nước khác nhau. Liều lượng khuyến cáo khi dùng men vi sinh Stability là 1 nắp (5ml) cho 10 40 lít nước.
Thuốc vi sinh cho bể cá Compozyme
Men vi sinh cho cá Compozyme không chỉ chứa các loại lợi khuẩn như Nitrobacter, Cellulomonas, Aerobacter…, mà còn có các thành phần thuốc cho cá cảnh gồm Lactose, Protease, Amylase, Lipase… Đây là những enzym và chất giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của vi sinh, giúp bể luôn sạch sẽ và cá phát triển khỏe mạnh. Định kỳ sử dụng sản phẩm từ 7 – 10 ngày một lần, với 1 – 2 gram cho 100 lít nước sẽ giúp kiểm soát tốt môi trường sống cho cá.

Viên vi sinh cho bể cá EM Yee
Sản phẩm vi sinh EM Yee gồm nhiều loại lợi khuẩn như khuẩn PSB, xạ khuẩn, vi khuẩn axit lactic, nấm men… cùng các enzyme sinh học, giúp phân giải các chất hữu cơ, thúc đẩy sự phát triển của cây thuỷ sinh và tạo môi trường sống tự nhiên cho cá. Sản phẩm cũng kiểm soát các chất độc, khử mùi và làm trong nước hiệu quả. Liều dùng vi sinh EM Yee là 1 viên cho 100 lít nước và nên duy trì sử dụng lâu dài để hệ vi sinh luôn ổn định.
Viên làm trong nước bể cá Nhật Bản Aquarista
Viên nén vi sinh cho bể cá có tốt không? Trên thị trường hiện có sản phẩm vi sinh Aquarista dạng viên nén được nhập khẩu từ Nhật Bản, với tác dụng đẩy nhanh quá trình phân huỷ độc tố và chất có hại trong bể. Không chỉ đảm bảo chất lượng nước lý tưởng, sản phẩm còn làm tăng hàm lượng oxy, giữ cho cá sinh trưởng khoẻ mạnh và phát triển tốt. Sản phẩm có thể dùng trực tiếp hoặc hoà tan trước khi cho vào hồ, với 1 viên cho 50 lit nước.
Men vi sinh tiêu hoá cho cá KoiKa BAC+
Trong môi trường nuôi nhân tạo, cá dễ bị tiêu hoá kém, khó hấp thụ dinh dưỡng và giảm khả năng miễn dịch. Việc bổ sung men vi sinh tiêu hoá KoiKa BAC+ sẽ giúp cải thiện tình trạng này và đảm bảo sức khoẻ cho cá. Dòng vi sinh này có công dụng kích thích cá ăn khoẻ, tăng sức đề kháng và phòng chống một số bệnh phổ biến. Có thể dùng xịt trực tiếp vào bể nuôi (3 lần xịt/ 10 lít nước) hoặc xịt vào thức ăn cho cá (5 – 10 lần/ 250g thức ăn).

Cách dùng men vi sinh làm trong nước hồ cá
Nước trong bể cá có thể bị đục do thiếu hụt vi sinh và chứa nhiều chất độc hại cho cá. Các chế phẩm men vi sinh đặc biệt cần thiết và phát huy tác dụng tốt nhất trong trường hợp setup bể cá mới hoặc thay nước. Sử dụng men vi sinh sẽ giúp nước trong lên trông thấy và hạn chế tình trạng cá bị sốc nước mới. Tuỳ vào bể mới hay bể đang thả cá, Bể Cá Cảnh Đa Năng hướng dẫn chi tiết cách châm vi sinh đúng chuẩn dưới đây:
Cách châm vi sinh cho bể cá mới
Thời gian để hệ vi sinh phát triển hoàn chỉnh trong một bể cá mới thường khá chậm. Vì vậy cần tạo môi trường cho vi sinh phát triển và bổ sung vi sinh bằng cách sau:
- Tạo giá thể cho vi sinh: Hầu hết các loại vi sinh không sống trôi nổi trong nước mà chúng cần bám vào giá thể nào đó để phát triển thành một quần thể. Giá thể này có thể là đất nền chuyên dụng, cát, đá sỏi, cây thuỷ sinh, vật liệu lọc hoặc vật liệu có cấu trúc rỗng… Vì vậy bể cá mới cần bố trí những giá thể này để tạo điều kiện cho vi sinh phát triển.
- Cách châm vi sinh: Sau khi lắp đặt thiết bị và bố trí vật liệu, sử dụng nguồn nước sạch cấp vào hồ (với nước máy cần xả nước và để bay hết clo sau 1 – 2 ngày). Bể mới cần cho lượng men vi sinh cho cá gấp 2 – 3 lần liều dùng định kỳ để thúc đẩy chu trình cycle (thiết lập hệ vi sinh). Tiếp tục cho máy sủi oxy và máy lọc hoạt động liên tục để kích thích vi sinh vật hiếu khí phát triển.
- Thời gian thả cá: Khi khởi tạo bể cá mới và châm vi sinh, không nên thả cá ngay mà cần chờ đợi để hệ vi sinh trong bể phát triển ổn định, đảm bảo môi trường an toàn cho cá. Nên đợi tối thiểu 48 giờ sau khi châm vi sinh lần đầu mới thả cá vào bể. Định kỳ thay một phần nước và châm thêm vi sinh để tái tạo và duy trì hệ vi sinh trong hồ.

Cách sử dụng vi sinh định kỳ cho bể cá cảnh
Nếu không biết cách thay nước và vệ sinh bể cá cảnh, người nuôi có thể vô tình làm mất đi hệ vi sinh có lợi, dẫn đến mất cân bằng trong môi trường nước và gây hại cho cá. Để duy trì quần thể vi sinh và chất lượng nước, người nuôi cần sử dụng các chế phẩm men vi sinh đúng cách như sau:
- Cách thêm vi sinh định kỳ: Với bể đang nuôi cá ổn định, nên châm vi sinh định kỳ mỗi tuần 1 lần, sau mỗi lần thay nước hoặc khi cho thêm cá mới vào bể, giúp duy trì chất lượng nước và ổn định môi trường sống. Có thể bổ sung vi sinh bằng cách cho trực tiếp vào hồ hoặc trộn với thức ăn cho cá. Mỗi sản phẩm có liều lượng sử dụng khác nhau và nên tuân theo chỉ dẫn được nhà sản xuất khuyến nghị.
- Lưu ý khi dùng men vi sinh: Không nên thay toàn bộ nước, sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất và cọ rửa quá kỹ các vật liệu vì sẽ làm mất đi hệ vi sinh đang tồn tại ổn định trong bể. Tối ưu nhất là thay nước hằng tuần với 50 – 70% nước mới và giữ lại tối thiểu 30% nước cũ. Ngoài ra, cần xem xét hạn sử dụng sản phẩm men vi sinh cho cá và đậy kỹ nắp sau khi dùng.

Câu hỏi thường gặp về men vi sinh cho cá
Những người chưa có kinh nghiệm nuôi cá cảnh thường không biết đến tầm quan trọng của hệ vi sinh và có nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề này. Bể Cá Cảnh Đa Năng sẽ giải đáp chi tiết dưới đây một số thắc mắc thường gặp nhất, giúp bạn sử dụng vi sinh cho bể cá đúng cách và hiệu quả:
Cho quá nhiều vi sinh vào hồ cá có sao không?
Các loại men vi sinh cho cá đều chứa vi khuẩn có lợi và thân thiện với môi trường, không gây hại cho cá khi sử dụng thường xuyên. Nhưng không nên cho quá nhiều vi sinh vào bể cá vì quần thể lợi khuẩn này sống nhờ lượng amoniac nhất định có trong bể. Nếu có quá nhiều vi sinh, môi trường sẽ không đáp ứng được nhu cầu sống của chúng.
Lượng vi sinh dư thừa sẽ chết hoặc rơi vào trạng không hoạt động, dẫn đến hiện tượng nước đục (nở hoa). Do đó, nên sử dụng vi sinh đúng liều lượng và chu kỳ được nhà sản xuất đưa ra để đảm bảo hiệu quả tốt nhất và tránh lãng phí không cần thiết.
Tự làm vi sinh cho bể cá có được không?
Vi sinh có thể hình thành và tồn tại tự nhiên trong bể cá. Để thúc đẩy phát triển vi sinh có lợi, ngoài việc sử dụng các chế phẩm sinh học, người nuôi có thể thực hiện một số cách đơn giản sau đây:
- Dùng vật liệu hữu cơ: Việc thả vào bể cá các vật liệu hữu cơ như gỗ, thân cây mục rữa, lá khô sẽ tạo ra nguồn vi sinh tự nhiên và giá thể để vi sinh phát triển.
- Sử dụng xác động vật: Đây là cách hiệu quả để khởi đầu quá trình phát triển hệ vi sinh trong một bể cá mới. Đặt vào hồ xác động vật như cá nhỏ, tôm nhỏ sẽ cung cấp nguồn dinh dưỡng cho vi sinh vật sinh sôi tự nhiên.
- Sử dụng sữa chua: Có thể cho một lượng nhỏ sữa chua vào bể cá để lập tức bổ sung vi sinh cho môi trường. Sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn và là cách đơn giản, tiết kiệm giúp thiết lập hệ vi sinh trong bể cá cảnh.
- Nuôi các dòng cá có nhiều chất thải: Những loại cá này sẽ sản sinh một lượng lớn chất thải hữu cơ, tạo ra NH3 là môi dẫn ưa thích của vi sinh vật, tạo điều kiện cho hệ vi sinh trong bể phát triển mạnh.
Đây là những cách dễ thực hiện và không tốn kém, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình thiết lập vi sinh trong bể mới. Tuy nhiên, phương pháp này có thể tạo ra tạp chất, mùi hôi, gây ô nhiễm bể trong một thời gian dài và khó kiểm soát chất lượng nước.

Nên dùng men vi sinh dạng lỏng, dạng viên hay dạng bột?
Cách sử dụng và công dụng của các dạng men vi sinh cho cá không có nhiều khác biệt. Bạn có thể lựa chọn loại sản phẩm phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình. Tuy nhiên, tuỳ theo đặc tính của mỗi sản phẩm mà có thời gian tác dụng khác nhau. Vi sinh dạng viên hay dạng bột thường có tốc độ hoạt động chậm hơn so với dạng lỏng (dạng nước). Do đó, khi sử dụng cần tính thêm thời gian để chờ bột hoặc viên vi sinh tan ra và hoạt động.
Tổng kết
Vi sinh đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì một môi trường lý tưởng, giúp tối ưu hệ thống lọc, cải thiện chất lượng nước và tăng cường sức khỏe cho cá. Chính vì vậy, người nuôi không nên lơ là việc thiết lập và duy trì hệ vi sinh, đặc biệt là khi khởi tạo bể mới hoặc thay nước cho bể cũ.
Bể Cá Cảnh Đa Năng là đơn vị uy tín hàng đầu trên thị trường, chuyên cung cấp bể cá, vật tư, thiết bị và các loại men vi sinh cho cá chất lượng. Nếu bạn cần hỗ trợ và tư vấn sản phẩm, hãy liên hệ ngay với chúng tôi theo hotline 0944.451.623 hoặc truy cập trang web của chúng tôi.